Lên Sóc Sơn, Ba Vì: Bỏ ra dăm tỷ chơi sang lại thu tiền đều tay

Tiền tỷ đầu tư

Vừa đầu tư hơn 2 tỷ đồng một homestay tại Sóc Sơn, anh Lê Văn Tú (chủ nhà) bắt đầu nhận khách thuê. Ngôi nhà rộng hơn 100m2 có thể phục vụ gần 20 khách nghỉ, bao gồm cả bể bơi, khu vui chơi. Giá thuê là 8 triệu đồng/đêm vào cuối tuần và 6 triệu đồng/đêm ngày thường. Anh Tú cho hay, các ngày cuối tuần đã kín lịch dù homestay mới bắt đầu hoạt động, chưa quảng bá gì. Các ngày trong tuần cũng lác đác có khách thuê.

Theo chia sẻ của anh Tú, lý do anh quyết định dành cả số vốn liếng vào đầu tư homestay vì thấy nhu cầu thị trường rất lớn. Mô hình homestay hướng tới nhóm khách hàng là những gia đình, các nhóm bạn trẻ năng động. Nhiều homestay cạnh nhà anh ở Sóc Sơn đều kinh doanh khá tốt.

Không lựa chọn mô hình biệt thự kiên cố, chị Hà My (một chủ homestay) lại đầu tư theo cách dựng nhà bán kiên cố. Chị xây dựng loạt nhà ở diện tích nhỏ với tổng vốn đầu tư khoảng trên 100 triệu đồng/căn.

Lên Sóc Sơn, Ba Vì: Bỏ ra dăm tỷ chơi sang lại thu tiền đều tay

Rộ trào lưu mua đất làm homestay ven đô

Chị My kinh doanh homestay hơn 2 năm nay. Thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh này, chị xây dựng thêm 2 cănhomestay khác bên cạnh với chi phí khoảng 700 triệu, dự tính sẽ hoàn vốn trong 3 năm. “Trong dịp hè, các ngày cuối tuần homestay đều kín khách thuê, thậm chí phải đặt trước 2 tháng’, chị My tiết lộ.

Theo khảo sát tại Sóc Sơn, nhiều homestay xây khuôn viên hàng nghìn m2, thiết kế nhiều loại hình nhà, từ biệt thự đến nhà hạng sang, phòng diện tích lớn đến các thùng gỗ. Mức giá cũng đa dạng, có phòng khoảng vài trăm nghìn/ngày, có những biệt thự lớn lên tới hơn 10-15 triệu/ngày cho cả nhóm.

Không chỉ Sóc Sơn, mô hình homestay nở rộ tại các quận, huyện ven Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... hoặc các tỉnh lân cận gồm Vĩnh Yên, Tam Đảo - Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Ninh,... Homestay phát triển cả về số lượng và hình thức phản ánh nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo số liệu thống kê của Công ty AirDNA Việt Nam, tính đến hết năm 2018, tổng số homestay được ghi nhận tại Hà Nội là trên 11.000 sản phẩm, nhưng chỉ khoảng 6.400 sản phẩm là hoạt động thực sự, số còn lại hoạt động không hiệu quả hoặc đăng ký nhưng không hoạt động.

Nhu cầu lớn

Lý giải nhu cầu ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng, nhu cầu về không gian sống xanh đã trở thành tất yếu.

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, khẳng định: "Những cư dân đã có thể sẵn sàng đi xa hơn để được hít thở không khí trong lành, sẵn sàng trả thêm chi phí để được sống trong những quần thể xanh hơn.

Nói về thực trạng nghỉ dưỡng ven đô, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty CP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô, nhận xét, hiện các resort có chưa đầy 1.600 phòng 3-5 sao, đó là nguồn cung yếu.

Lên Sóc Sơn, Ba Vì: Bỏ ra dăm tỷ chơi sang lại thu tiền đều tay

Nhiều homestay có vốn đầu tư hàng tỷ đồng

Những homestay hay du lịch cộng đồng đang thu hút khách hàng do khách hàng có thể chỉ đi trong ngày hoặc nghỉ 1 đêm cuối tuần. Với nguồn cung hạn chế như vậy, ông Trung chia sẻ, xây dựng cật lực 10 năm nữa khả năng cũng chưa đáp ứng được với dân số Hà Nội ngày một tăng.

Ông Trung đánh giá, mảng homestay, các cụm homestay sẽ tăng trưởng khá nhanh trong năm tới. Cùng với sự ra đời của các đơn vị hỗ trợ bán phòng, hỗ trợ quản lý,... và đáp ứng nhu cầu sử dụng của chính người đầu tư. Mô hình homestay sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn so với năm 2019 vì minh chứng thanh công của lượng lớn khu homestay vừa qua. Ngoài ra, các cụm homestay sẽ ngày càng lợi hại.

Cũng theo ông Trung, các khu du lịch theo hướng nông trại và kết hợp với giáo dục sẽ tăng mạnh. Với xu hướng các mẹ mong muốn con cái được trải nghiệm thiên nhiên, đối tượng trẻ mầm non đến trung học cơ sở sẽ được quan tâm nhiều. Mức độ sẵn sàng chi trả cũng nhiều. Các trường học và ngay cả hoạt động trải nghiệm gia đình sẽ gia tăng nhu cầu mạnh.

Thị trường mua và thuê vườn/nông trại cũng sẽ tăng theo. Hiện nay, một trào lưu mới đang hình thành là thay vì mua biệt thự, người dân mua một mảnh vườn nằm trong khu nông trại để vừa kết hợp trải nghiệm trồng vườn, vừa phối hợp kinh doanh du lịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh mô hình homestay có nhiều tiềm năng và sẽ bùng nổ trong khoảng 3-5 năm tới. Ông Lê Kiên Trung (Urban Get Away) đưa ra lời khuyên, rằng đừng nên nghĩ phải đầu tư quá lớn, đôi khi chỉ cần đầu tư nhỏ. Đặc điểm của loại hình này là khách không ở lại lâu, trong khoảng thời gian ngắn mà dịch vụ thì hạn chế.

"Giờ chúng tôi cố gắng không cung cấp các dịch vụ có sẵn như ở resort mà thường để khách tự phục vụ, có các phong trào "You lead yourself" có nghĩa là khách tự nấu nướng, tăng tính tương tác giữa những người tham gia du lịch thay vì chỉ ngồi, đặt đồ ăn và ăn xong rồi về", ông Trung nói.